BÀI TUYÊN TRUYỀN THÁNG 10
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2024
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo
Các em học sinh thân mến!
Thực hiện công văn của UBND huyện Nam Sách số 138/ KH-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2024 về Kế hoạch tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với Chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, được tổ chức từ ngày 01/10/2024 đến ngày 07/10/2024, trong đó Lễ khai mạc Tuần lễ được tổ chức vào ngày 01/10/2024.
Tuần lễ học tập suốt đời nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời - một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.
Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến đọc đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên và người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa các hình thức học tập (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp, qua bạn bè…); trong đó đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; tạo môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, qua đó khuyến khích người dân chủ động học thường xuyên, liên tục và suốt đời, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
Tuần lễ học tập suốt đời là cơ hội đặc biệt để chúng ta cùng nhau đón nhận và lan tỏa niềm đam mê học hỏi, đọc sách, tự học, tự khám phá, trải nghiệm và rèn luyện trau dồi kiến thức, để từ đó phát triển kỹ năng, nâng cao trình độ “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”..
Các em thân mến!
Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Thư viện phát động phong trào đọc sách tới tất cả các CB,GV,NV và đặc biệt là tới tất cả các em học sinh toàn trường. Mỗi ngày chúng ta hãy dành ra ít nhất 30 phút để đọc sách. Đọc sách cũng là cách tự học, để nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, rèn luyện thêm về trí tuệ của bản thân để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội ngày nay. Hơn nữa, việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người. Cho dù là đọc sách in (sách giấy) hay sách điện tử, thì mỗi người đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đọc sách là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.
Các em thân mến trên thư viện hiện có rất nhiều sách, nhiều loại sách với nội dung phong phú, đa dạng, hôm nay cô sẽ giới thiệu tới các em bộ sách “Sống đẹp – Những câu chuyện bổ ích” tác giả Lê Thị Luận, Lê Thanh Sử và Thúy Hằng tuyển chọn, biên soạn, do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2014. Sách dày 216 trang, khổ 13 x 19cm. Và trên tay cô đang cầm là 7 quyển sách với 7 tập truyện.
Bộ sách “Sống đẹp – Những câu chuyện bổ ích” (gồm nhiều tập) là các câu chuyện được tuyển chọn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, biểu hiện sinh động về các phẩm chất đạo đức của con người, sống sao cho đẹp, có ích với bản thân, gia đình và xã hội.
Sống đẹp không phải là một yêu cầu gì cao siêu mà nó rất gần gũi với chúng ta. Đó không phải là những lí lẽ, những lời nói suông, những phương châm sống chỉ có trong sách vở, mà đó là những việc làm, những biểu hiện cụ thể diễn ra hàng ngày trong đời sống.
Sống đẹp là nếp sống của một con người có phẩm chất đạo đức tốt, biết hi sinh và cống hiến, biết hòa mình và có trách nhiệm với cộng đồng, với tập thể, biết yêu thương, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn…Đó là những việc làm và biểu hiện của mỗi người trong mối quan hệ với bản thân mình, với mọi người, với công việc, với cộng đồng, đất nước, nhân loại và với môi trường tự nhiên. Đó chính là tinh thần đoàn kết, thương yêu dân tộc. Tinh thần đó không những được thể hiện trong sách vở mà còn thể hiện ngay trong đời sống chúng ta. Tinh thần đó được thể hiện sâu sắc trong cơn bão số 3 vừa qua.
Như chúng ta đã biết Cơn bão số 3 - là một trong những cơn bão lớn nhất, mạnh nhất trong vòng 30 năm qua. Đã để lại những hậu quả, thiệt hại to lớn cả về người và của. Trước những khó khăn và mất mát đau thương ấy, tinh thần dân tộc của người Việt lại một lần nữa được thắp sáng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với sự đồng lòng, chung tay chia sẻ từ khắp mọi miền đất nước.
Từ Chính quyền các cấp, các ngành luôn túc trực, chỉ đạo, điều động cùng bà con khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 và hoàn lưu cơn bão.
Sự xuất hiện của lực lượng quân đội đã mang lại niềm hy vọng cho người dân đang trong tình cảnh khó khăn nhất. Họ không chỉ là lực lượng cứu hộ, cứu nạn, mà còn là những người hùng âm thầm, chấp nhận đối mặt với nguy hiểm để bảo vệ tính mạng của đồng bào mình.
Với nhân dân - tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Hình ảnh từng đoàn xe cứu trợ của các tỉnh, thành Bắc, Trung, Nam, mang theo lương thực, quần áo, thuốc men, đồng lòng quyên góp, công sức, tiếp bước nhau tiến ra miền Bắc, nơi mà những người dân đang ngày đêm vật lộn với khó khăn. Tinh thần tương thân tương ái đó đã trở thành minh chứng sống cho tình nghĩa đồng bào.
Qua buổi tuyên truyền giới thiệu sách hôm nay cô mong rằng các em hãy yêu thương gia đình, biết giúp đỡ bạn bè, biết chia sẻ, cảm thông tới những bạn có hoàn cảnh khó khăn, biết nghe lời thầy cô, bố mẹ, ông bà, học tập tốt, sống có trách nhiệm với bản thân mình, để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
Cuối cùng xin kính chúc các thầy cô sức khỏe, chúc các em học sinh có một tuần học tập vui vẻ!
Nam Hưng ngày 29 tháng 9 năm 2024
BGH DUYỆT
Trần Thị Ngân
|
Người thực hiện
Nguyễn Thị Yến
|